Từ Tây Hồ, phải mất khoảng 40 phút bằng đường xe và xuyên qua đường hầm xuyên núi dài hai cây số, mới đến được Mai Gia Thôn. Đó là một vùng đồi thoai thoải ở ngoại ô thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Thôn này có đến 90% người mang họ Mai. Nghề trồng trà Long Tỉnh là nghề gia truyền và chỉ có người họ Mai mới có được.
Trà Long Tỉnh được xem là quốc trà của Trung Quốc, chỉ có trồng ở Mai Gia thôn và chính phủ không cho phép người dân chuyên chở bán ở nơi khác. Do vậy, chỉ đến nơi này du khách mới có cơ hội mua được loại trà Long Tỉnh.
Giá trà rất đắt, một ký khoảng 1.200 nhân dân tệ (gần 2,5 triệu đồng). Với giá bán đó người bán hàng cho phép người mua nhét được bao nhiêu tùy thích vào hộp trà theo quy cách có sẵn.
Tương truyền rằng, trong một lần vua Càn Long ẩn danh vi hành ở vùng Giang Nam, khi đi ngang qua Mai Gia thôn, ngài khát nước bèn sai người vào nhà dân xin nước uống và được mời dùng loại trà được trồng tại địa phương. Vua Càn Long uống vào thấy trà không thơm, màu cũng chẳng đẹp nên có ý chê và bỏ đi.
Sau khi cưỡi ngựa tiếp tục vượt qua hai ngọn núi, nhà vua cảm thấy lạ là trong người vẫn khỏe mà vẫn không thấy khát nước thay vì bình thường với quãng đường xa như thế vua đã phải uống nhiều nước.
Nhà vua hỏi người hầu, hôm nay ta đã ăn uống gì mà sau khi vượt quãng đường xa vẫn không thấy mệt và khát nước. Cận thần tâu rằng bệ hạ chỉ có uống trà bên đường do người dân mang đến. Vua lấy làm lạ và quay lại hỏi cho ra cớ sự mới biết rằng ở đây dòng họ Mai đã trồng loại trà này.
Còn về cái tên trà gọi là Long Tỉnh, người ta bảo có nghĩa là "giếng rồng" và tên trà do vua Càn Long đặt tên cho loại trà này sau khi phát hiện ra giá trị của nó. Trong lúc nhìn xuống cái giếng nước ở Mai Gia thôn, vua Càn Long nhìn thấy bóng của cây trà lung linh dưới nước, giống hình một con rồng đang bay lượn trong giếng, nên nhà vua đặt tên trà là Long Tỉnh.
Thấy trà quý, đặc biệt hơn những loại trà thường dùng, vua Càn Long cho rót trà ban cho những tùy tùng, hầu cận của ngài. Thông thường, khi được nhà Vua ban cho vật gì thì người nhận phải lạy ba lạy tạ ơn. Nhưng trong lúc vua và nhóm tùy tùng đang mai danh hộ giá nhà vua vi hành nên họ không cúi đầu lạy tạ nhà vua theo đúng phép tắc triều đinh nhà Thanh mà nghĩ ra cách là dùng hai ngón tay của bàn tay phải gõ xuống bàn ba cái, tượng trưng cho hai chân đang quỳ lạy vua ba lạy. Từ đó, người Trung Quốc cũng dùng tích này để tỏ lòng "cảm ơn" khi có ai đó rót trà mời mình.
Đến thăm một hiệu trà ở Mai Gia thôn, chúng tôi có dịp được tận mắt xem người bán hàng biểu diễn những thao tác pha trà rất điệu nghệ. Họ bốc trà từng nhúm nhỏ cho vào từng ly pha trà bằng thủy tinh trong suốt rồi châm nước (nhiệt độ 80 độ C). Động tác chế nước trông như múa, tay cầm bình nước nóng nâng cao rót rồi hạ xuống, nhấc lên theo động tác 3 xuống 3 lên. Rót nước xong, chỉ cần hai phút chờ trà ra là chủ nhân mời khách thưởng thức chén trà nóng hổi.
Chỉ riêng việc nhìn cách pha chế trà với những động tác cầu kỳ, điệu nghệ và nghe những chuyện kể về sự tích trà Long Tỉnh liên quan đến Càn Long - vị hoàng đế thứ năm của nhà Thanh ở Trung Hoa hồi thế kỷ XVIII - cũng đủ khiến cho du khách có cái cảm giác đặ biệt khi nâng chén trà Long Tỉnh lên nhấp môi. Nhưng chưa hết! Chúng tôi rất ngạc nhiên, tò mò khi nghe người bán trà khuyên mọi người nên nhai nát xác trà và nuốt luôn để giúp bồi bổ cơ thể.
Uống trà Long Tỉnh thế này giống như "ăn" chè, dùng cả nước lẫn xác trà, quả thật là một kiểu cách rất lạ đối với nhiều du khách đến thăm Mai Gia thôn. Nhưng điều đọng lại trong suy nghĩ của tôi sau chuyến thăm Mai Gia thôn - quê hương danh trà Long Tỉnh - là sự thán phục và cung cách làm ăn, tiếp thị của những người kinh doanh thương hiệu trà này.
Chuyện bồi bổ thế nào cũng khó xác nhận vì tôi chỉ uống một chén trà nhỏ ở đó (tôi không mua vì không có nhu cầu dùng trà để tấm bổ); hương vị thì Long Tỉnh chẳng hơn gì (nếu không nói là còn kém) trà Thái Nguyên của Việt Nam, nhưng nhờ giỏi kinh doanh, dùng điển tích điểm tô thương hiệu, họ đã tạo nên một thương hiệu danh giá, đưa giá bán lên trời và xuất khẩu tại chỗ. Vùng trồng trà trở thành điểm đến du lịch, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trở thành "nhà xuất khẩu" trà qua hành lý của du khách nước ngoài!