Ấm và chén
Ấm trà được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đất nung, sứ, kim loại, thậm chí từ thủy tinh song nhìn chung được chia làm hai loại : ấm lưu hương là ấm trà được làm từ chất liệu là đất nung và ấm không lưu hương là các loại ấm trà được làm từ kim loại, sứ, thủy tinh, hoặc đất nung được quét men bên trong. Để chọn một ấm trà tốt nhất theo nhu cầu thưởng trà riêng chỉ cần nhớ: nếu sử dụng thường xuyên các loại trà khác nhau thì tốt nhất là nên dùng loại ấm không lưu hương vì sau mỗi lần sử dụng một loại trà có thể rửa sạch ấm mà không làm ảnh hưởng đến hương vị của loại trà khác. Tuy nhiên nếu có điều kiện thì nên dùng mỗi loại trà một ấm pha trà khác nhau.
Nếu chỉ uống trà mộc (trà không ướp hương) và trà xanh có ướp các mùi hương thì nên dùng ấm trà bằng đất nung là tốt nhất. Các loại trà này nên được pha bằng những ấm khác nhau bởi ấm đất nung là loại ấm lưu hương, hương của trà sẽ dần lưu lại trong ấm. Sẽ không còn thú vị nữa khi hương thơm của các loại trà lại bị lẫn tạp vào nhau. Sự lựa chọn thứ hai là ấm sứ, đặc biệt không nên dùng ấm kim loại vì dễ làm cho nước có vị chua hoặc tanh.
Cách chọn ấm đất nung.
Loại ấm trà làm từ đất nung tốt hơn cả là có xuất xứ từ Trung Quốc. Loại ấm này có thành không dày, không nặng như dáng vẻ bên ngoài nhưng lại giữ nhiệt rất tốt, trà rót ra nóng bỏng. Chính vì độ dày không lớn nên mặc dù nhìn ấm khá nhỏ bé nó vẫn có thể chứa tới 300ml, đủ cho một bàn trà 4 - 6 người. Tất nhiên cũng có thể chọn mua loại ấm nhỏ hoặc lớn hơn tùy theo nhu cầu thưởng thức.Hoa văn của ấm trà Tầu cũng rất tinh tế còn kiểu dáng thì vô cùng phong phú. Một ấm trà đất nung của Tầu luôn dập chữ phía dưới, giống như người ta ký tên trên một bức vẽ. Mầu ấm có thể hơi khác nhau, từ đỏ nâu đến nâu đen do sản phẩm được nung dưới nhiệt độ và thời gian nung khác nhau. Ấm được làm từ loại đất đặc biệt, không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi chúng là “ấm lưu hương”. Loại đất này thấm mùi hương trà sau mỗi lần sử dụng khiến hương trà càng tinh túy hơn, bình trà càng ngày càng bóng hơn.
Khi đi mua đừng ngần ngại yêu cầu được rót thử. Một ấm trà được làm với kỹ thuật cao phải rót được gọn nước mà không rơi rớt, điều này phụ thuộc vào phần vòi ấm và độ khít của nắp đậy. Muốn thử chỉ việc bỏ nước vào ấm, giữ kín nắp và rót từ từ. Khi nhấc ấm lên mà ấm rớt quá nhiều thì phần vòi rót không được tốt. Độ khít của nắp ấm cũng ảnh hưởng tới việc rót trà. Ngoài việc kiểm tra bằng cách quan sát cần phải thử như sau: trên núm tròn của nắp ấm luôn có một lỗ tròn nhỏ như đầu tăm, khi đang rót nước hãy bịt lỗ bằng ngón tay chỏ, nếu nước ngừng đột ngột và không hềt rớt ra ngoài một giọt nào thì đó mới là một chiếc ấm có độ khít hoàn hảo.
Cách chọn chén trà
Chén trà có loại hoàn toàn bằng đất nung, có loại được tráng lớp men sứ trắng bên trong. Xét về thẩm mĩ thì nên chọn loại chén có tráng sứ vì màu trà nhìn hấp dẫn hơn rất nhiều. Nên chọn những chiếc nhẹ, thành mỏng. Ngoài chén uống trà (chén quân), nếu muốn có cả bộ ấm chén hoàn chỉnh có thể chọn thêm những trà cụ như khay, chén tống (chén cao to dùng để rót trà rồi mới đem rót vào các chén nhỏ cho nước trà được đều, không bị chén đầu nhat, chén sau đậm), các dụng cụ nhỏ nhưng không kém phần quan trọng như kẹp lấy trà khô, thông vòi ấm, dụng cụ khuấy trà, kẹp bã trà...
Luộc ấm trước khi sử dụng
Ấm khi mới đem về cần phải được rửa sạch và làm cho hết mùi đất mới. Ban đầu rửa sạch bụi bặm trong ngoài ấm bằng nước thường sau đó đổ đầy ấm bằng nước nóng già, ngâm thật lâu rồi bỏ nước. Làm vậy vài lần cho ấm thật sạch rồi mới luộc ấm. Dùng một nồi sạch, đặt ấm vào trong, đổ nước nguội cho ngập ấm, thả vào một nắm chè khô rồi đun lửa thật nhỏ cho ấm thấm vị trà trong hai giờ, lưu ý không được để nước sôi mạnh. Xong lấy ấm ra, để tự khô và không tráng nước lã nữa.
Có nên rửa ấm trà?
Không bao giờ đem ấm đất rửa thẳng bằng nước lã hay dùng dụng cụ chà cọ, tẩy rửa. Người bán ấm thường khuyên người mua nên tráng một lần nước sôi lên ấm nếu muốn rửa. Có thể dùng mẹo: mỗi lần vừa pha trà xong, hãy rót lấy ngay chén đầu tiên dội đều lên bình trà một lượt. Vài giây sau bình sẽ tự khô ráo mà không cần lau nhờ nhiệt độ cao từ trong ấm. Bằng cách này bên ngoài ấm cũng thẩm thấu được hương trà mà càng thơm hơn, còn vỏ bình trà thì ngày càng thêm bóng.
Nước pha trà
Tốt nhất là nước mưa, nước mưa hứng giữa trời là sạch nhất. Có thể dùng nước giếng mà là giếng đá ong càng tốt. Thậm chí người kì công còn đi thu gom những hạt sương đọng trên tàu lá sen, đó được coi là thứ nước đặc biệt tinh khiết. Ở thành phố không có điều kiện thì phải dùng nước tinh khiết đóng bình. Nếu dùng nước máy phải để một thời gian cho bay hết mùi hoá chất khử trùng. Nhưng không thể nào ngon bằng những loại trên được. Khi đun nước dùng bếp than hoặc bếp ga để tránh các mùi lạ thấm vào nước như mùi khói, dầu hỏa. Trà thơm quý đến mấy mà nước lẫn mùi lạ thì không thể ngon được.
Đun nước pha trà
Một trong những lỗi phổ biến nhất thường gặp khi pha trà là sử dụng nước có nhiệt độ không đúng. Chỉ những loại trà “cứng đầu” như trà ô long và trà đen mới cần pha bằng nước đun sôi. Còn lại các lá trà mỏng mảnh của trà trắng và một số loại trà khác thì chỉ cần nước âm ấm, nước sôi già sẽ phá hủy các chất có trong các loại trà này và có thể gây ra vị đắng hoặc chát.
Mỗi loại trà có nhiệt độ nước và thời gian pha không giống nhau. Đối với trà xanh nên dùng nước từ 70 - 80oC, chờ khoảng 3 - 4 phút. Với trà móc câu nên tráng nước đầu (đánh thức trà) bằng cách đổ nước vừa ngập mặt trà và đổ hết nước đó ra ngay rồi mới pha trà. Nhưng các loại trà ướp hương thì không nên thực hiện bước này để giữ hương trà. Với trà Ô Long nên đánh thức trà trước khi pha và nên pha với nước 90oC, chờ khoảng 4 - 5 phút. Pha trà đen (trà lipton thuộc trà đen) hay các loại trà thảo mộc nên dùng nước 100oC và chờ trong 5 phút.
Trước khi pha phải rót ít nước sôi tráng ấm, đổ đi rồi mới cho trà vào. Dùng thìa tre hoặc thìa gỗ để múc trà, không nên dùng thìa kim loại. Với trà móc câu, trà Ô Long và một vài loại khác cần phải đánh thức trà. Sau đó rót thêm nước sôi ngập trà, để vài phút cho ngấm rồi mới rót đầy ấm.
Rót trà
Nên tính xem bao nhiêu người uống thì ước lượng số nước sôi cần rót. Thông thường nhà sản xuất đã tính sẵn số nước trong ấm vừa đủ cho số chén đi kèm trong bộ ấm chén. Nhưng nếu số người uống ít hơn thì không cần rót đầy ấm. Muốn uống nữa thì rót tiếp nước sôi. Làm như vậy để trà khỏi chín nhừ sẽ mất hương vị và bị nồng.
Chú ý khi rót trà, chỉ rót mỗi chén một ít. Xong lượt đầu sẽ rót tiếp lượt hai. Như vậy sẽ không bị chén đầu loãng chén cuối đặc do trà ngấm lâu. Cả cách rót trà cũng là một nghệ thuật cần phải học: lúc đầu miệng ấm kề sát với miệng chén, mấy giây sau từ từ đưa ấm lên cao vừa đủ để có tiếng nước róc rách mà không bắn ra ngoài. Rót sao cho mức nước trong từng chén đều ngang nhau, thao tác phải thuần thục, uyển chuyển và duyên dáng (ánh mắt chăm chú, miệng hơi mỉm cười…). Đó chính là nghệ thuật rót trà
Ghi chú thêm về cách uống trà: Tùy theo từng văn hóa uống trà mà có cách uống cho phù hợp, ví dụ như uống Trà Đạo Nhật Bản thì uống từng ngụm đàng hoàng để có đủ lượng nước trà thấm vào tất cả các màng niêm của miệng trong khi lối uống trà Việt lại nhâm nhi từng tí một để cảm nhận hương thơm và vị chát trước ngọt sau của trà Việt.